Con trai tôi gần 2 tuổi rưỡi, nói rõ, nhanh nhẹn, thông minh, ăn uống bình thường. Có lẽ do ở cùng ông bà được chiều nên cháu hay làm nũng khi ăn uống.
Làm thế nào để con tôi có thể tự xúc ăn? Tôi đi làm cả ngày nên không trực tiếp cho con ăn được. Tôi nên góp ý ra sao để ông bà hỗ trợ trong việc rèn cháu tự ăn? (Hải Phong)
 |
Ảnh minh họa: Independent.co.uk. |
Trả lời:
Chào bạn,
Theo những chia sẻ của bạn, tôi hiểu bạn đang trăn trở về vấn đề làm thế nào để giúp con tự lập trong khi ăn uống. Trong đó, vấn đề thứ nhất bạn quan tâm là những cách để tác động đến trẻ, giúp trẻ tự lập trong việc xúc ăn và thứ hai là việc trao đổi với ông bà (người đang dành nhiều thời gian trực tiếp chăm sóc trẻ khi bạn vắng nhà) để ông bà hỗ trợ bạn trong cách rèn tính tự lập xúc ăn cho trẻ. Với những vấn đề này, tôi xin chia sẻ với bạn như sau:
Thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn tán thành với mong muốn giúp con tự lập trong ăn uống, biết cách tự xúc ăn của bạn, nhất là bé đã hơn 2 tuổi và có đầy đủ các điều kiện cần thiết để hình thành tính tự lập như bé hiểu vấn đề, nhanh nhẹn thông minh và có khả năng thao tác bàn tay tốt. Phát triển tính tự lập trong ăn uống cũng giúp bé tự lập, tự tin trong cuộc sống, giúp bé dễ thích nghi với môi trường hơn. Bạn có thể giúp bé như sau:
- Hướng dẫn bé tự giác trong các công việc đơn giản hằng ngày: Bạn cần hình thành tính tự giác, tự lập của bé từ trong các công việc nhẹ nhàng đơn giản như cất dọn đồ chơi sau khi chơi, tự cầm cốc uống nước, bỏ rác vào thùng rác… Hướng dẫn và khuyến khích bé tự làm để bé hiểu là bé có thể làm được nhiều việc và mọi người vui khi bé làm được.
- Tạo môi trường vui vẻ, thú vị: Trong việc rèn luyện thói quen tự xúc ăn cho bé, mẹ cần tạo yếu tố môi trường hấp dẫn cho trẻ, tạo những món ăn hấp dẫn để trẻ thích xúc, có thể bắt đầu bằng việc xúc những thứ dễ ăn với trẻ. Quan tâm đến vị trí ngồi ăn, chọn chiếc thìa, chiếc bát, cái bàn, cái ghế phù hợp với trẻ, tạo sự yêu thích ở trẻ và cả không khí gia đình vui vẻ, cởi mở khi trẻ ngồi ăn.
- Làm mẫu cho trẻ: Trước khi trẻ xúc ăn, cha mẹ và người lớn cũng dùng một cái thìa tự xúc thức ăn của mình để làm mẫu cho trẻ, cho trẻ thấy được niềm vui của người tự xúc ăn và cách thức xúc đồ ăn.
- Kiên trì thực hiện: Khi dạy trẻ tự xúc đồ ăn bạn cần phải kiên nhẫn bởi bé chưa thành thạo ngay được, nếu bạn sốt ruột và lại tự tay xúc cho con thì việc tập cho con tự ăn khó mà thành công. Bạn không nên nóng ruột, không nên sợ bẩn, cần kiên trì giúp bé và chờ đợi bé.
Vấn đề tiếp theo là bạn cần có sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình đặc biệt là ông bà trong việc hướng dẫn trẻ. Để trao đổi với ông bà, trước hết bạn cần trao đổi riêng với bố của bé, bạn cần có sự đồng thuận của bố bé. Sau đó 2 vợ chồng sẽ có cuộc trò chuyện với ông bà về những điều mà vợ chồng bạn đang muốn giúp trẻ, phân tích cho ông bà thấy sự cần thiết phải hướng dẫn cho trẻ cách tự lập trong ăn uống và sinh hoạt.
Tiếp theo, vợ chồng bạn chia sẻ với ông bà về những phương pháp mà bạn định làm với trẻ, những khó khăn và mong muốn sự quyết tâm đồng thuận của cả gia đình. Ông bà chăm sóc chiều chuộng cháu vì rất thương cháu, nhưng nếu ông bà thấy được lợi ích của việc rèn tính tự lập cho bé trong cuộc sống thì chắc chắn sẽ đồng thuận và cố gắng giúp đỡ bạn trong việc dạy trẻ.
Chúc bạn thành công.
Th.s tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC
Có thể bạn quan tâm:
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sambukid -Bé khỏe mẹ vui